Chuyến đi về nguồn được thực hiện tại khu di tích Đền Vua Đinh, Vua Lê, tại Ninh Bình. Đoàn công tác gồm toàn thể đảng viên, cảm tình Đảng và quần chúng ưu tú thuộc chi bộ 11 do đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Bí thư chi bộ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ thông tin làm trưởng đoàn.
Thực hiện chương trình về nguồn, đoàn đã thăm và dâng hương Đền vua Đinh, vua Lê – Ninh Bình là hai di tích lịch sử được xây dựng từ thế kỉ thứ XVII, thuộc vùng bảo vệ đặc biệt trong cố đô Hoa Lư. Cho đến nay, các di tích vẫn giữ nguyên được nét cổ kính và giá trị lịch sử, văn hóa độc nhất.
Đảng viên, cảm tình Đảng và quần chúng ưu tú thuộc chi bộ 11 – Học viện Phụ nữ Việt Nam
Phát biểu trong chuyến đi, đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Bí thư chi bộ đã nhấn mạnh, chương trình về nguồn này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm giúp cho đảng viên, cán bộ và quần chúng thuộc chi bộ 11, đặc biệt là các cảm tình Đảng, quần chúng ưu tú nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, toàn diện hơn về sự nghiệp cách mạng của dân tộc, về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam trong những năm qua. Thông qua các hoạt động tuyên truyền và sinh hoạt chính trị tiếp tục khẳng định niềm tin sắt son của toàn thể đảng viên, cán bộ và quần chúng của chi bộ 11đối với sự lãnh đạo của Đảng. Qua chương trình về nguồn này, đảng viên, cảm tình Đảng và quần chúng ưu tú thuộc chi bộ 11, phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tham gia thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thi đua để hoàn thành tốt công tác chuyên môn của chi bộ 11 và Viện Công nghệ thông tin.
Đền vua Đinh cũng như đền vua Lê được xây dựng trên nền cung điện xưa. Theo truyền thuyết, khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhân dân ta đã xây dựng hai ngôi đền để tưởng nhớ hai vị anh hùng dân tộc là Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Lúc đầu đền quay hướng Bắc trông ra núi Hồ, núi Chẽ. Trải qua năm tháng, hai ngôi đền cũ không còn nữa. Đầu thế kỷ XVII, sau khi bỏ nhà Mạc theo nhà Lê (1600), Phong quận công Bùi Thời Trung đã xây dựng lại hai ngôi đền như cũ, nhưng quay lại hướng Đông, đến năm Hoàng Đinh thứ 7 (1606), khắc bia lưu lại. Vào khoảng năm Bính Thìn (1676), nhân dân Trường Yên lại trùng tu lớn hai ngôi đền. Đến năm Thành Thái thứ 10 (1898) cụ Bá Kếnh tức Dương Đức Vĩnh đã cùng với nhân dân Trường Yên Thượng sửa đền vua Đinh, làm ngưỡng cửa đá và nâng cao đền lên bằng tảng đá cô bồng như ngày nay. |