Chương trình không chỉ góp phần lan tỏa tri thức về chuyển đổi số mà còn thể hiện vai trò tiên phong của nhà trường trong việc đồng hành cùng các địa phương thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Giảng viên Viện CNTT tham gia chương trình kết nối phục vụ cộng đồng

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng công nghệ và đảm bảo an toàn trong môi trường số, chương trình tập huấn được tổ chức vào chiều ngày 15/3/2025 tại Trường PTDT Nội trú tỉnh Phú Thọ. Đây là cơ sở giáo dục đặc thù, nơi đào tạo học sinh dân tộc thiểu số và là một trong những đối tượng cần được ưu tiên tiếp cận tri thức số để thu hẹp khoảng cách phát triển.

Buổi tập huấn thu hút sự tham gia của gần 100 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh. Qua đó cho thấy nhu cầu lớn và sự quan tâm thực sự của nhà trường trong việc từng bước tiếp cận và vận dụng hiệu quả các công cụ số vào công tác giảng dạy, quản lý và học tập.

Chương trình tập huấn được thiết kế gồm hai chuyên đề mang tính ứng dụng cao

Chuyên đề 1: “Tổng quan về chuyển đổi số quốc gia và địa phương” do Tiến sĩ Nguyễn Đức Toàn – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ Thông tin – trình bày, chuyên đề này cung cấp cái nhìn tổng quan và cập nhật nhất về các chính sách, chiến lược chuyển đổi số ở cấp quốc gia và địa phương. Diễn giả đã chia sẻ những xu hướng công nghệ hiện đại, định hướng phát triển của Chính phủ trong thời kỳ chuyển đổi số, đồng thời chỉ ra vai trò then chốt của ngành giáo dục trong công cuộc này. Bài giảng cũng giúp người tham dự hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội khi đưa chuyển đổi số vào trường học.

Chuyên đề 2: “An toàn thông tin, an ninh mạng” do Tiến sĩ Trịnh Ngọc Trúc – Trưởng Bộ môn Công nghệ Thông tin – đảm nhiệm. Nội dung chuyên sâu về các nguy cơ phổ biến trên không gian mạng, từ việc lộ thông tin cá nhân đến các hình thức tấn công mạng ngày càng tinh vi. TS. Trúc cũng hướng dẫn các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, kỹ năng sử dụng mạng an toàn và khuyến cáo những lưu ý khi học tập, làm việc trực tuyến – đặc biệt với đối tượng học sinh và giáo viên vùng sâu vùng xa, nơi chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ với tri thức công nghệ.

Chia sẻ tại chương trình, Phó Hiệu trưởng trường PTDT Nội trú tỉnh Phú Thọ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự hỗ trợ thiết thực từ phía Viện Công nghệ Thông tin – Học viện Phụ nữ Việt Nam. Nhà trường cho rằng, chương trình không chỉ mang lại kiến thức mà còn tạo động lực cho thầy cô và học sinh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy – học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Phát biểu tổng kết chương trình, TS. Nguyễn Đức Toàn khẳng định: “Hoạt động phục vụ cộng đồng là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của Viện. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn hạn chế về điều kiện tiếp cận công nghệ, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện và bền vững.”

Chương trình tập huấn tại Phú Thọ là bước khởi đầu trong chuỗi hoạt động cộng đồng mà Học viện Phụ nữ Việt Nam dự kiến triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước trong năm 2025. Với sự đồng hành của các chuyên gia, giảng viên giàu kinh nghiệm, Học viện hướng đến mục tiêu đưa công nghệ trở thành công cụ phổ cập tri thức, giảm bất bình đẳng và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng.