Tóm tắt: Nghiên cứu nội dung thông điệp về phụ nữ khởi nghiệp (PNKN) trên báo điện tử (BĐT) nhằm phát hiện, nhận diện nội dung, cách thiết kế thông điệp trong mỗi tác phẩm báo chí (TPBC), bước đầu chỉ ra cách thức BĐT biểu thị phụ nữ trong lĩnh vực khởi nghiệp. Kết quả của nghiên cứu sẽ là dữ liệu cơ bản để tác động đến cách nhìn nhận, hoạt động phân tích của các nhà hoạch định chính sách đối với PNKN. Nghiên cứu này cũng giúp xác định tác động của truyền thông với ý thức và hành vi của công chúng về PNKN; đo lường sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng sau khi tiếp xúc với thông điệp truyền thông về PNKN. Một khảo sát được thực hiện trên 3 BĐT Tiền phong, Nhân dân, Phụ nữ Việt Nam từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2023 bằng phương pháp phân tích nội dung báo chí định lượng với bảng mã phân tích nhằm sáng tỏ những phát hiện trên. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất một số cách thiết kế thông điệp mới, kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng thông điệp về PNKN trên BĐT nhằm củng cố chất lượng tuyên truyền về tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ hiện nay.
Từ khóa: Báo điện tử, phụ nữ khởi nghiệp, thông điệp, bình đẳng giới
CONTENT OF MESSAGES ABOUT FEMALE ENTREPRENEURS IN ONLINE NEWSPAPERS
(Survey of the Tien Phong, Nhan Dan, and Phu Nu Viet Nam Online Newspapers from January 2021 to June 2023)
Tran Xuan Quynh(1), Phan Thuy Linh(*)(2)
1Vietnam Women’s Academy, 68 Nguyen Chi Thanh, Dong Da, Hanoi, Vietnam Tien 2Phong Newspaper, 15 Ho Xuan Huong, Hai Ba Trung, Hanoi, Vietnam
*Email address: phanlinh20102001@gmail.com
Abstract: The research delves into the portrayal and messaging concerning women entrepreneurs on online newspapers. The aim is to discern the content and design of messages in journalistic pieces, shedding light on how BĐT depict women in the entrepreneurial sector. The findings serve as foundational data, influencing policymakers’ perspectives and analyses regarding PNKN. Furthermore, the study gauges the media’s influence on public consciousness and behaviors towards BĐT and measures alterations in consumer perceptions after interacting with such media content. A comprehensive survey spanning from January 2021 to June 2023 was carried out on three notable BĐT: Tiền Phong, Nhân Dân, and Phụ Nữ Việt Nam, utilizing quantitative content analysis complemented by an analytical coding framework. Drawing from the insights, the authors put forth innovative message design recommendations and advocate for enhancing the quality of PNKN content on BĐT, aspiring to strengthen the advocacy of the modern women’s entrepreneurial spirit.
Keywords: E-newspapers, female entrepreneurship, messages, gender equality.
1. Đặt vấn đề
Trên thực tế, vẫn còn khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong quá trình phát triển bản thân. Bất bình đẳng giới về cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến… đã trở thành rào cản với phụ nữ trong quá trình vươn lên khẳng định vị thế. Tính đến cuối năm 2020, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 30% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam có cải thiện nhanh trong giai đoạn 2011 – 2018 nhưng lại giảm trong năm 2019 – 2020 và chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới [3].
Ngày nay, phụ nữ có những vai trò chính trong gia đình như chăm sóc và nuôi dạy con cái; hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống gia đình; thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, nhu cầu tình cảm. Trong đó, vai trò của phụ nữ trong hoạt động kinh tế được xem như tiền đề để họ giải phóng, giảm sự lệ thuộc vào nam giới, nâng cao địa vị trong gia đình và ngoài xã hội. Việc nghiên cứu nội dung thông điệp về PNKN trên BĐT sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách xã hội hiện đại nhìn nhận và hỗ trợ phụ nữ trong vai trò là những người khởi nghiệp, cũng như thách thức và cơ hội mà họ đối mặt. Điều này phản ánh quan điểm, thái độ, và mức độ tiếp nhận của xã hội đối với vấn đề bình đẳng giới. Bằng cách phân tích thông điệp trên 3 BĐT, nghiên cứu giúp tìm ra và xác định xu hướng truyền thông hiện tại, khuyến nghị cải thiện để tăng cường khả năng nhận thức, lan toả hình ảnh tích cực của phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tới công chúng.
Dựa trên cơ sở những nghiên cứu trước đó về PNKN, hoạt động truyền thông về phụ nữ, bình đẳng giới trong khởi nghiệp… nhóm tác giả phát hiện và đi sâu vào minh định nội dung thông điệp về PNKN trên BĐT, chỉ ra cách thiết kế thông điệp – yếu tố quyết định mức độ thành công của quá trình truyền thông về phụ nữ. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số cách thức thiết kế thông điệp mới nói riêng và những khuyến nghị mới nhằm nâng cao chất lượng nội dung thông điệp về PNKN trên BĐT.
2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
BĐT là một tổ chức chính trị – xã hội nhất định, được cấp phép hoạt động để phục vụ công tác tư tưởng, lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân theo Luật Báo chí hiện hành [4]. BĐT thực hiện các chức năng của thiết chế báo chí như cung cấp thông tin, là diễn đàn thể hiện và định hướng dư luận xã hội (DLXH) về các vấn đề trong đời sống xã hội nói chung và tuyên truyền về bình đẳng giới nói riêng[2]. Mặt khác, DLXH là nguồn dữ liệu mở của báo chí – truyền thông trong qúa trình điều chỉnh việc thiết kế, ban hành chính sách, điều chỉnh lợi ích giữa các nhóm xã hội hoặc đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng đối với nhóm xã hội cụ thể nào đó trong thực tiễn. Vì vậy, BĐT được xem như công cụ chính yếu trong công tác tuyên truyền về bình đẳng giới nói chung và lan tỏa thông điệp về tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ nói riêng.
Ở quá trình truyền tải thông tin của báo chí nói chung và BĐT nói riêng, thông điệp là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả, chất lượng của TPBC về một vấn đề, sự việc, hiện tượng nào đó. Thông điệp là nội dung thông tin được trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận. Thông điệp chính là những tâm tư, tình cảm, mong muốn, đòi hỏi, ý kiến, hiểu biết, kinh nghiệm sống, tri thức khoa học – kỹ thuật… được mã hóa theo một hệ thống ký hiệu nào đó. Hệ thống này phải được cả bên phát và bên nhận cùng chấp nhận và có chung cách hiểu – tức là có khả năng giải mã [5].
Đặc biệt, thông điệp phải đáp ứng một số yêu cầu như:
Thứ nhất, thông điệp phải phù hợp với công chúng (nhóm đối tượng đích) và thể hiện rõ mục tiêu của chiến dịch truyền thông, tuyên truyền vận động của chủ thể với nhu cầu, mong đợi của nhóm đối tượng. Đối với nhóm đối tượng hoạch định chính sách, thông điệp cần tạo được sự ủng hộ tích cực cho việc hoạch định chính sách và chủ trương thuận lợi cho các vấn đề truyền thông, thông qua các cam kết chính trị hoặc chương trình hành động. Đối với công chúng, thông điệp cần tập trung hướng tới sự thay đổi nhận thức, hành vi và thái độ của họ đối với vấn đề truyền thông. Sự thay đổi này thường thể hiện qua các cấp độ: chấp nhận, hưởng ứng, tán thành và tin tưởng thông điệp dẫn đến thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi phù hợp với mục đích truyền thông do thông điệp nêu ra;
Thứ hai, thông điệp phải phù hợp với các quy tắc và giá trị xã hội, phù hợp với văn hóa – lối sống của dân tộc và xu thế phát triển của xã hội; Thông điệp cần đảm bảo tính an toàn, đề phòng những hệ quả ngoài ý muốn đối với nhóm đối tượng không thuộc phạm vi gây ảnh hưởng, nhất là đối với trẻ em;
Thứ ba, thông điệp phải phù hợp với tâm trạng xã hội và thể hiện lợi ích của công chúng – nhóm đối tượng đích. Do đó, cần làm thế nào để nhóm đối tượng đó biết được những lợi ích mà họ thu được khi thực hiện theo thông điệp;
Thứ tư, thông điệp phải ngắn gọn, hàm súc, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo. Hiệu quả của thông điệp được đánh giá cao ở chỗ là có thể tạo ra được những hiệu ứng xã hội nhằm thay đổi được thái độ, hành vi, suy nghĩ của dư luận, công chúng theo đúng với mục đích của thông điệp muốn truyền tải[6].
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Đối tượng nghiên cứu
Vấn đề nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu được xác định trong bài viết là nội dung thông điệp về phụ nữ khởi nghiệp. Khách thể nghiên cứu/nguồn thông tin đáp ứng việc phân tích nội dung thông điệp về phụ nữ khởi nghiệp là các tin bài với hệ thống từ khóa có liên quan đến phụ nữ khởi nghiệp được tìm kiếm trên 3 tờ báo.
Đối tượng khảo sát: nghiên cứu lựa chọn khảo sát trên 3 tờ BĐT, bao gồm: báo Tiền phong, báo Nhân dân và báo Phụ nữ Việt Nam. Việc lựa chọn các tờ báo trên để khảo sát và nghiên cứu dựa trên những lí do sau đây:
Thứ nhất, báo Tiền Phong là cơ quan ngôn luận của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Vì thế, tờ báo chú trọng tuyên truyền và tập trung dung lượng, tần suất đăng tải nhiều về gương thanh niên tiểu biểu, chân dung khởi nghiệp xuất sắc làm giàu trên quê hương và các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của tổ chức Đoàn, Hội… trên chuyên mục Giới trẻ. Khảo sát với từ khóa phụ nữ khởi nghiệp trong phạm vi này sẽ giúp khoanh vùng, nhận diện nhu cầu, định hướng của phân khúc công chúng trẻ là nữ giới trong hoạt động khởi nghiệp.
Thứ hai, báo Phụ nữ Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tờ báo đại diện cho các tầng lớp phụ nữ cả nước gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình để phản ánh trước công luận. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, báo Phụ nữ Việt Nam đã bổ sung thêm nhiệm vụ, đó là biểu dương các tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình nhằm cổ vũ, động viên, giáo dục cán bộ, hội viên, phụ nữ thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Vì thế, các tin bài về khởi nghiệp, lao động sản xuất, chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một trong những định hướng thông tin chính của tờ báo.
Thứ ba, báo Nhân dân là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Được xem là “Cơ quan trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”. Thông tin trên báo Nhân dân có tính bao quát nhưng chuyên sâu, tập trung thông tin về chính sách đến mọi nhóm đối tượng công chúng. Vì vậy, tác giả lựa chọn khảo sát trên tờ báo nhằm tập trung giải mã thông điệp về chính sách hỗ trợ đối với nhóm công chúng là phụ nữ trong hoạt động khởi nghiệp.
Thời gian nghiên cứu: từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2023. Đây là khoảng thời gian Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì tổ chức, triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” gắn liền với thử thách phục hồi, khởi động lại hoạt động phát triển kinh tế nói chung và hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ nói riêng sau đại dịch COVID-19. Từ đó, tác giả sẽ làm rõ hơn được vai trò của BĐT trong việc truyền tải thông điệp về phụ nữ khởi nghiệp, nhận định mức độ đóng góp của BĐT trong sứ mệnh truyền thông, lan toả làm nổi bật những bước tiến khẳng định vị thế của phụ nữ trong thời đại hiện nay.
2.2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích nội dung báo chí định lượng với bảng mã phân tích nhằm trả lời câu hỏi nghiên cứu trong phạm vi nội dung thông điệp về phụ nữ khởi nghiệp trên BĐT.
Cụ thể, với phương pháp phân tích nội dung báo chí định lượng, tác giả xác định xu hướng, nội dung, và mối quan hệ trong cách các thông điệp thông tin được truyền đạt. Trên cơ sở dữ liệu là 245 TPBC về PNKN trên 3 tờ BĐT, nhóm tác giả xác định các đơn vị phân tích chính thuộc 2 nhóm: Nhóm TPBC thuộc thể loại phóng sự chân dung PNKN (n=70); Nhóm TPBC thuộc thể loại tin, phản ánh về chính sách hỗ trợ PNKN (n=175).
Riêng với nhóm TPBC thuộc thể loại phóng sự chân dung PNKN (n=70), tác giả mã hoá nội dung dựa trên các đơn vị phân tích: phân loại đối tượng (vùng miền, độ tuổi), lĩnh vực khởi nghiệp, lý do khởi nghiệp, thâm niên khởi nghiệp, doanh thu/tín hiệu thành công của doanh nghiệp. Đây là trọng tâm phân tích của nghiên cứu này nhằm định hình rõ ràng hơn về nhóm đối tượng mà các TPBC phóng sự chân dung đề cập. Từ đó, hiểu rõ hơn về đặc thù, thách thức, và cơ hội mà các nhóm đối tượng PNKN đã gặp phải. Mặt khác, từ những đơn vị phân tích trên sẽ giúp nhận diện các mô hình doanh nghiệp thành công để phục vụ việc giáo dục và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ tiếp theo tham gia vào hoạt động khởi nghiệp. Khi đó, nội dung thông điệp của TPBC về PNKN sẽ tường minh và những định hướng khuyến nghị nâng cao chất lượng nội dung thông điệp sẽ có chiều sâu, chi tiết, hiệu quả hơn.
Việc sử dụng bảng mã phân tích nhằm phân loại và phân tích dữ liệu theo đơn vị phân tích đã đề cập ở trên, mỗi mã đại diện cho một chủ đề hoặc khía cạnh liên quan đến PNKN.
Ngoài ra, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu trong nước, các văn bản, chính sách liên quan để tổng thuật cơ sở lý luận, làm cơ sở cho những phát hiện mới và dẫn chứng cho những bàn luận về chính sách.
2.2.3. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
Đối với phương pháp nghiên cứu định lượng: tác giả thực hiện khảo sát với 245 tin bài trên 3 tờ BĐT.
Phương pháp chọn mẫu: chọn mẫu khảo sát có chủ đích theo tiêu chí chọn mẫu. Đó là mỗi tin bài phản ánh, phóng sự chân dung, tin ngắn… phải có nội dung về PNKN.
3. Kết quả và thảo luận
Thông điệp của mỗi TPBC thường được thể hiện qua hai hình thức đó là thông điệp tài liệu và thông điệp ẩn[5]. Trong đó, thông điệp tài liệu hoặc thông điệp trực tiếp là loại thông điệp ẩn chứa trong các tài liệu, dữ liệu… dễ nhận biết, được biểu hiện cụ thể và có thể nhìn thấy bằng trực quan. Còn với thông điệp ẩn, đây là loại thông điệp đòi hỏi công chúng báo chí có sự tư duy tích cực, năng lực trừu tượng hóa, cảm nhận tinh tế và đôi khi liên tưởng với những vấn đề kinh tế – văn hóa xã hội đã và đang đặt ra.
Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả đã tiến hành khảo sát các tiêu chí như phân loại đối tượng (vùng miền, độ tuổi), lĩnh vực khởi nghiệp, lý do khởi nghiệp, thâm niên khởi nghiệp, doanh thu/tín hiệu thành công của doanh nghiệp đối với thể loại phóng sự chân dung phụ nữ khởi nghiệp (n= 70) và thống kê số lượng tin, bài phản ánh chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (n= 175) để minh định thông điệp trực tiếp và thông điệp ẩn về phụ nữ khởi nghiệp trên BĐT nói chung và trong 3 tờ BĐT thuộc diện khảo sát nói riêng. Nhìn tổng quát, tương quan tỉ lệ tác phẩm và thể loại tác phẩm trên 3 BĐT về phụ nữ khởi nghiệp trong phạm vi khảo sát có sự phân hóa rõ rệt và tương thích với mức độ ưu tiên, tập trung dung lượng đăng về chủ đề này theo tôn chỉ, mục đích của mỗi đơn vị báo chí đã lý giải ở trên.
Nguồn: nhóm tác giả
Về thể loại phóng sự chân dung phụ nữ khởi nghiệp (n=70) trên các tờ BĐT, tác giả sẽ sử dụng phương pháp phân tích nội dung báo chí định lượng với bảng mã phân tích để chỉ ra đặc trưng của nội dung thông điệp được thể hiện trong các TPBC. Với thông điệp trực tiếp, 82.4% tác phẩm viết chân dung về phụ nữ khởi nghiệp được thể hiện qua đoạn trích dẫn trực tiếp từ lời nói của nhân vật với nội dung chia sẻ truyền cảm hứng về hành trình khởi nghiệp, tinh thần vươn lên, đương đầu với thử thách để khẳng định tiếng nói và vị thế. Đây là một cách thể hiện thông điệp trực quan (nhìn từ hình thức thể hiện thông điệp tác phẩm) và khách quan (nhìn từ tiêu chí thể hiện thông điệp) trong một TPBC, giúp công chúng báo chí dễ dàng nhận biết và tiếp thu thông điệp với hiệu quả cao.
Với thông điệp gián tiếp trong TPBC viết về chân dung phụ nữ khởi nghiệp, tác giả đã mã hóa dựa trên những lớp thông tin cơ bản về nhân vật trong bài viết để nhận diện, đánh giá nội dung thông điệp qua các biến như phân loại đối tượng (vùng miền, độ tuổi), lĩnh vực khởi nghiệp, lý do khởi nghiệp, thâm niên khởi nghiệp, doanh thu/tín hiệu thành công của doanh nghiệp.
Cụ thể, tỉ lệ khởi nghiệp của phân khúc phụ nữ trung tuổi cao hơn phân khúc phụ nữ trẻ. Thông qua việc truyền tải câu chuyện, công chúng báo chí đánh giá năng lực khởi nghiệp của phụ nữ dựa trên nhiều yếu tố đa dạng, trong đó có độ tuổi. Phụ nữ trung niên thường nắm giữ lợi thế về kinh nghiệm với nhiều năm tích lũy kiến thức và hiểu biết sâu sắc về thị trường, kỹ năng quản lý và mối quan hệ ngành nghề. Sự am hiểu này tạo điều kiện thuận lợi cho họ triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả. Phụ nữ trung niên đã tích lũy được quỹ tiết kiệm đáng kể hoặc có quyền lợi tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư, giảm bớt rào cản tài chính khi bắt đầu khởi tạo một doanh nghiệp. Sự tự tin và quyết đoán thường tăng theo tuổi tác và kinh nghiệm, giúp phụ nữ trung niên có khả năng đánh giá rủi ro và cơ hội một cách thông minh, đưa ra quyết định sáng suốt trong môi trường kinh doanh đầy thách thức. Tuy nhiên, việc có bề dày kinh nghiệm rất có thể trở thành rào cản đối với sự sáng tạo, đột phá, nắm bắt, chớp lấy thời cơ một cách nhanh nhạy. Ngoài ra, qía trình khảo sát, nghiên cứu cũng cho thấy cần nhấn mạnh rằng, mỗi trường hợp khởi nghiệp là duy nhất và phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân và môi trường. Các nhân tố kể trên, mặc dù có tính chất tổng quát, không nhất thiết phản ánh chính xác hoàn cảnh, điều kiện, đặc điểm khởi nghiệp của mỗi cá nhân.
Không phủ nhận tỉ lệ khởi nghiệp của phân khúc phụ nữ trẻ đang ngày càng gia tăng (41.4%), nó đã thể hiện và đánh dấu sự thăng tiến trong tư duy kinh doanh của phụ nữ, phản ánh sự thay đổi về cấu trúc xã hội, quyền lực và tiếp cận nguồn lực. Trước đó, theo kết quả điều tra Nhận thức và dự định khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ có mong muốn, dự định khởi nghiệp chiếm tới 61,9%. Trong đó, phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 35 có dự định khởi nghiệp khá cao[1]. Phụ nữ trẻ khởi nghiệp thường có xu hướng ưu tiên các giá trị như bền vững, khẳng định vị thế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và môi trường làm việc hỗ trợ. Sự dịch chuyển và gia tăng tỉ lệ phụ nữ trẻ khởi nghiệp sẽ tiếp tục tỉ lệ thuận với sự phát triển không ngừng của công nghệ, sự tăng cường trong giáo dục và các chương trình hỗ trợ dành cho phụ nữ và là một bước tiến quan trọng việc khẳng định vị thế của phụ nữ trong xã hội góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Bảng 4.1. Nội dung thông điệp về phụ nữ khởi nghiệp trên các lớp thông tin cơ bản trong TPBC trên BĐT
Các yếu tố | Tần suất | Tỉ lệ | Xếp hạng |
---|---|---|---|
Độ tuổi (n=70) 1. 16-30 tuổi 2. 31-59 tuổi 3. 60 tuổi trở lên | 29 41 0 | 41.4% 58.6% 0 | 2 1 3 |
Vùng miền (n=70) 1. Miền Bắc 2. Miền Trung 3. Miền Nam | 30 17 23 | 42.5% 24.7% 32.9% | 1 3 2 |
Lĩnh vực khởi nghiệp (n=70) 1. Nông – lâm – ngư nghiệp 2. Công nghiệp 3. Dịch vụ | 36 16 18 | 51% 23.5% 25.5% | 1 3 2 |
Thâm niên khởi nghiệp (n=70) 1. Dưới 3 năm 2. Từ 3 – 5 năm 3. Từ 5 – 8 năm 4. Nhiều hơn | 14 28 18 10 | 19.6% 40.2% 26.2% 13.7% | 3 1 2 4 |
Doanh thu của doanh nghiệp trên một năm (n=70) 1. Dưới 1 tỷ 2. Từ 1 – 3 tỷ 3. Từ 3 – 5 tỷ 4. 5 tỷ trở lên | 25 33 8 4 | 36.1% 47.4% 11% 5.5% | 2 1 3 4 |
Nguồn: nhóm tác giả
Phân tích mức độ thành công của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần dựa trên một cách tiếp cận nghiêm ngặt và khoa học, xem xét không chỉ các số liệu doanh thu hàng năm mà còn các yếu tố khác như lợi nhuận ròng, tăng trưởng trong thời gian, vị thế trong thị trường, khả năng mở rộng kinh doanh, và sự ổn định tài chính. Trong phạm vi các tiêu chí thuộc nội dung thông điệp, con số doanh thu của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ/năm cho thấy, phần lớn (gần một phần ba) các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu dưới 1 tỷ mỗi năm đã phản ánh việc họ đang quản lý các doanh nghiệp nhỏ, có thể là doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc cửa hàng nhỏ lẻ. Mặc dù doanh thu không phải là một chỉ số duy nhất để đánh giá thành công, nhưng việc này có thể chỉ ra rằng có những thách thức về tài chính và quy mô đối với phân khúc phụ nữ trẻ. Tỉ lệ doanh thu do doanh nghiệp nữ làm chủ dao động từ 1 – 3 tỷ/năm (47.4%) là phân khúc lớn nhất trong bốn nhóm, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành nằm trong phạm vi doanh thu này. Thông qua bằng chứng về doanh thu hấp dẫn từ phân khúc phụ nữ làm chủ doanh nghiệp ở trên, công chúng báo chí nhận được thông điệp về tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám thử sức, dám dấn thân và có thể là dám sai để khẳng định vị thế của phụ nữ.
Nguồn: nhóm tác giả
Thông qua các TPBC viết về chân dung phụ nữ khởi nghiệp, tác giả đã nhận diện động cơ và mục tiêu của phụ nữ trong hoạt động khởi nghiệp và chỉ ra nội dung thông điệp của tác phẩm. 98% chân dung phụ nữ đều đề cập tới mong muốn làm giàu đầu tiên cho thấy sự quyết tâm hướng đến độc lập tài chính và mong muốn cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình thông qua việc kinh doanh. Đây cũng là một phản ứng trước các thách thức kinh tế hoặc điều kiện hạn chế về cơ hội nghề nghiệp trong môi trường truyền thống. Mục đích khẳng định vị thế bản thân nói riêng và của phụ nữ nói chung (71.2%) là bằng chứng rõ ràng cho nhu cầu được công nhận và tôn trọng trong xã hội, từng bước xoá bỏ tư duy hạn chế về quyền lực và quyền lợi của phụ nữ trong xã hội trước đây. Điều này phản ánh một xu hướng tích cực trong việc thúc đẩy độc lập kinh tế của phụ nữ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của họ trong việc phát triển cộng đồng và xã hội.
Về thể loại tác phẩm báo chí phản ánh chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và tin ngắn tuyên truyền về hội thảo, tọa đàm liên quan đến tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ (n=175) phản ánh một hướng tiếp cận và hướng truyền tải thông điệp đa chiều của BĐT trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực kinh doanh và khởi nghiệp.
Nhìn chung, TPBC thuộc diện khảo sát này thường nhấn mạnh vào nhận diện và đề xuất các giải pháp loại bỏ rào cản giới dựa. Rào cản ở đây bao gồm quan điểm xã hội truyền thống, trách nhiệm gia đình không cân đối và sự thiếu hụt trong việc tiếp cận tài chính và nguồn lực. Khi thông điệp nhấn mạnh vào các vấn đề này sẽ giúp tạo ra một nền tảng cho việc phát triển các chính sách và sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Mặt khác, khi BĐT thông tin về các chương trình đào tạo, hội thảo và cơ hội tham gia mạng lưới trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho phụ nữ cho thấy chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp không chỉ tập trung ở chính sách tài chính mà còn hướng đến việc tăng cường năng lực và sự tự tin. Thông qua việc phản ánh các chính sách và sáng kiến, BĐT cũng giúp thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng, phụ nữ có cơ hội để cạnh tranh và phát triển mà không bị giới hạn bởi phân biệt giới.
4. Kết luận và khuyến nghị
Nội dung thông điệp về phụ nữ khởi nghiệp trên BĐT có vai trò then chốt trong việc hình thành nhận thức và thái độ của công chúng đối với vấn đề này. Khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực khởi nghiệp và kinh doanh, việc truyền tải thông điệp chính xác, khoa học, có tính nhân văn cao không những góp phần nâng cao hình ảnh và vai trò của phụ nữ trong xã hội, mà còn khuyến khích sự đa dạng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, sự thịnh vượng của xã hội. Do đó, định hướng nâng cao chất lượng và tác động của các thông điệp trên BĐT về phụ nữ khởi nghiệp rất cần thiết và mang tính chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế – xã hội thời đại công nghệ hiện nay.
Để nâng cao chất lượng thông điệp về phụ nữ khởi nghiệp trên BĐT một cách hiệu quả, các nghiên cứu và phân tích dựa trên cơ sở khoa học đã gợi mở một số khuyến nghị mang tính khoa học như sau:
Về phía chủ thể/ tác giả thiết kế thông điệp:
Thứ nhất, mỗi nhà báo, phóng viên phải vừa trở thành một nhà báo đa phương tiện, vừa trở thành một nhà báo dữ liệu. Trong đó, đa phương tiện là sự kết hợp giữa các yếu tố như hình ảnh, video, chữ viết, âm thanh để truyền tải thông điệp một cách sinh động, cuốn hút công chúng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Mặt khác vừa yêu cầu có kỹ năng ứng dụng phương pháp nghiên cứu dữ liệu vào sáng tạo TPBC về PNKN. Phóng viên cần thực hiện nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực khởi nghiệp của phụ nữ, bao gồm thống kê về tỷ lệ phụ nữ tham gia, ngành nghề chủ yếu, vốn và nguồn lực, thách thức đ