Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập, được thành lập vào ngày 18/10/2012 theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Trải qua hơn một thập kỷ phát triển, Học viện đã mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo từ bồi dưỡng cán bộ đến đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, và thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về phụ nữ, bình đẳng giới, cũng như các lĩnh vực liên quan khác. Học viện có trụ sở chính tại Hà Nội và hai cơ sở tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) và TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, ngày 31/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chủ trương thành lập Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội phát triển lớn mạnh hơn nữa cho Học viện. Đồng thời, Học viện cũng đã khởi công xây dựng dự án mở rộng cơ sở đào tạo tại Gia Lâm, khẳng định nỗ lực đầu tư vào hạ tầng hiện đại để phục vụ tốt nhất cho người học.

Học viện Phụ nữ Việt Nam khởi công dự án xây dựng cơ sở đào tạo tại huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội

Hình thức xếp hạng VNUR, dựa trên nguyên tắc độc lập và các tiêu chí đánh giá khách quan, đã trở thành thước đo chuẩn mực quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Các tiêu chí xếp hạng bao gồm: chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, hợp tác quốc tế, và đóng góp phục vụ cộng đồng. Việc đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng này cho thấy sự nỗ lực và nghiêm túc của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc đáp ứng và vượt qua các tiêu chuẩn đánh giá khắt khe.

🌟 Chất lượng giáo dục: Học viện đã triển khai nhiều chương trình đào tạo đột phá, gắn kết lý thuyết và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Hiện tại, Học viện cung cấp 11 chương trình đào tạo đại học, 4 chương trình thạc sĩ và 2 chương trình tiến sĩ, với các ngành học đặc thù đóng góp những giá trị tích cực thúc đẩy sự công bằng, tiến bộ của cộng đồng như “Giới và Phát triển” và “Công tác xã hội”.

🌟 Nghiên cứu khoa học: Các công trình nghiên cứu đã được khẳng định được giá trị khoa học với tính ứng dụng cao trong lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển bền vững. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên đã công bố 350 sản phẩm khoa học trong năm 2023-2024, bao gồm hàng chục công bố quốc tế.

🌟 Hạ tầng hiện đại: Các cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư nâng cấp, bao gồm các phòng thực hành công nghệ thông tin, studio… tại trụ sở chính và cơ sở TP. Hồ Chí Minh.

🌟 Đội ngũ giảng viên chất lượng cao: Với gần 250 viên chức, trong đó có 180 giảng viên cơ hữu, 8 Phó Giáo sư và hơn 60 Tiến sĩ, Học viện đã tạo dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, tận tâm và giàu kinh nghiệm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt cán bộ Hội LHPNVN và giảng viên, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam nhân dịp 20/10

Với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, Học viện Phụ nữ Việt Nam không chỉ hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện mà còn xây dựng nền tảng số hóa để hỗ trợ việc học tập linh hoạt, sáng tạo. Một số điểm nhấn trong chiến lược này bao gồm:

🌟 Tăng cường hợp tác quốc tế: Học viện đã ký kết nhiều biên bản hợp tác với hơn 50 cơ sở giáo dục và tổ chức quốc tế, tổ chức các khóa bồi dưỡng cho cán bộ Hội Phụ nữ Lào và Campuchia, tạo điều kiện tiếp cận tri thức tiên tiến.

🌟 Xây dựng môi trường giáo dục bình đẳng, toàn diện: Các hoạt động khẳng định vai trò phát triển cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đã được đầu tư đáng kể. Học viện cung cấp miễn phí hơn 30.000 khóa đào tạo trực tuyến về bình đẳng giới và phát triển kinh doanh.

🌟 Đổi mới phương pháp giảng dạy: Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, kết hợp giữa hình thức học trực tuyến và trực tiếp, nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập.

Đội ngũ viên chức, người lao động Học viện Phụ nữ Việt Nam

Học viện Phụ nữ Việt Nam một lần nữa củng cố vị thế, khẳng định uy tín ở vị trí top giữa tại bảng xếp hạng 100 trường đại học tốt nhất Việt Nam. Đây là cơ hội để Học viện tăng cường tầm ảnh hưởng và mạnh mẽ hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn tới. Với triết lý Giáo dục Toàn diện, Chất lượng, Bình đẳng, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ không ngừng vươn lên, khẳng định uy tín, thương hiệu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu, đóng góp những giá trị tích cực vào sự phát triển bền vững, tiến bộ của đất nước.