Năm 2023 là năm thứ 16 cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin” được tổ chức tại Việt Nam và là lần thứ 4 cuộc thi mở rộng tầm ảnh hưởng tới các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Cuộc thi nhằm mục đích đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn thông tin. Đồng thời, cuộc thi cũng tạo sân chơi lành mạnh để kết nối, giao lưu, trao đổi kiến thức giữa các trường đại học trong khu vực.
Đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam tham gia cuộc thi là 24 sinh viên lớp K9, K10 ngành Công nghệ thông tin được chia làm 6 đội dự thi. Các bạn đã có một thời gian tìm hiểu thông tin, thể lệ, cách thức thi đấu của cuộc thi An toàn thông tin ASEAN. Ngoài ra, các đội dự thi còn được giảng viên ngành Công nghệ thông tin và chuyên gia hướng dẫn, ôn luyện để tự tin bước vào vòng khởi động. Mặc dù chỉ mới bước sang năm thứ 2 đại học ngành Công nghệ thông tin tại Học viện nhưng các thành viên của đội dự thi đều thể hiện rõ sự say mê, yêu thích dành cho lĩnh vực mình lựa chọn. Các bạn thể hiện rõ sự quyết tâm khi lần đầu tham gia một thử thách mang tầm quốc tế.
Vòng thi được diễn ra liên tục từ 8h đến 12h và hình ảnh của các thí sinh tại phòng Thực hành Công nghệ thông tin VWA được kết nối trực tuyến tới Ban tổ chức qua hệ thống video conference.
Ngay khi vòng thi khởi động bắt đầu, các đội thi của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tập trung vận dụng mọi kiến thức, kỹ năng được trang bị để vượt qua thử thách cùng 161 đội đến từ Việt Nam (Miền Bắc:12 trường Miền Nam: 15 trường) và các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia,Indonesia, Brunay). Vòng thi được tổ chức theo dạng thi Cướp Cờ – CTF (Capture The Flag), một dạng hình thức thi để kiểm tra kiến thức về bảo mật thông tin, thử thách các đội chơi tìm ra lời giải cho một vấn đề bất kỳ trong an ninh mạng.
Vòng thi được tổ chức online theo hình thức thi CTF – Jeopardy, cụ thể: Vòng thi gồm các thử thách thuộc các lĩnh vực: Web application: Khai thác các lỗ hổng ứng dụng web (SQL injection, XSS, Session Hijacking…); Reverse engineering: Dịch ngược mã nguồn phần mềm, unpack các packer bảo vệ mã nguồn; Pwnable: Tìm lỗi, khai thác các lỗ hổng trong các ứng dụng server, phần mềm, hoặc đoạn mã (ví dụ: buffer overflow, viết shellcode, format string…); Crypto/ACM: Giải mã string, giải thuật, phân tích thuật toán, lập trình thuật toán…Cuộc thi diễn ra vô cùng gay cấn, các thứ tự xếp hạng liên tục thay đổi, các thí sinh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tập trung cao độ để thực hiện các thử thách của vòng thi khởi động.
Dự kiến, ngày 28/10/2023 sẽ diễn ra vòng thi Bán kết và Chung kết (20 đội có thứ hạng cao nhất của giai đoạn 1 thi Bán kết sẽ thi Chung kết – tại chỗ, các đội còn lại tiếp tục thi Bán kết giai đoạn 2). Các đội thi sẽ thực hành về an toàn thông tin theo hình thức CTF jeopardy, với nội dung thi gồm: Pwnable (khai thác lỗ hổng phần mềm); Reverse engineering (tập trung vào kỹ năng dịch ngược mã nguồn phần mềm); Web (các kỹ thuật tấn công vào ứng dụng web); Crypto/ACM (đánh đố giải mã, tấn công các thuật toán mã hóa, dùng kỹ năng lập trình/giải thuật để giải các trò chơi, mê cung …).
Ở vòng thi cuối cùng, trong 8 tiếng liên tục, các đội thi thực hành trực tuyến về an toàn thông tin, chủ yếu theo hình thức đối kháng, tấn công và phòng thủ trên mạng máy tính (CTF Attack & Defense). Nội dung thi tập trung kỹ năng tìm kiếm, khai thác, khắc phục các lỗ hổng an toàn thông tin trong hệ thống thông tin.
Chúc 6 đội dự thi của Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục bình tĩnh, tự tin và hoàn thành thật tốt vòng thi đầu tiên của mùa giải ‘Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2023′.