Đây là những đơn vị báo chí cùng phối hợp đào tạo, hỗ trợ thực tập, việc làm cho sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện và thường xuyên theo sát những sự kiện nổi bật của Học viện.
Đồng thời, Ban Giám đốc Học viện cũng đến chúc mừng Ban biên tập Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam; Bộ phận Truyền thông của Học viện.
Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam là diễn đàn trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học và liên kết đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-HVPNVN của Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và hoạt động theo Giấy phép xuất bản số 561/GP-BTTTT ngày 13/11/2017.
Bộ phận Truyền thông của Học viện chịu trách nhiệm quản lý hệ thống trang thông tin điện tử, các loại hình mạng xã hội, nhóm Tuyển sinh trực tuyến và thực hiện công tác truyền thông đối ngoại.
Chúc mừng các nhà báo và những cây bút đang thực hiện trách nhiệm của người làm báo. Chúc Tạp chí khoa học, trang Thông tin điện tử của Học viện Phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
———————–
Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.

Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.

Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên – báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925, qua mỗi thời kỳ cách mạng 1925 – 1930, 1930 – 1945, 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1975 – 1986, 1986 – đến nay, đều có sự phát triển mạnh mẽ. 

Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Với nhiều người, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 có ý nghĩa quan trọng và to lớn. Ngày 21/6 cũng là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. (ST)