Mỗi dịp xuân về, những hành trình mùa xuân luôn mang đến cảm xúc phấn khởi, hân hoan trong lòng mỗi người. Trong tâm thức của người Việt, những ngày đầu năm cũng là dịp để mỗi người tìm thấy sự bình an trong tâm hồn và hướng tới những dự định tốt đẹp trong năm mới. Những cảm nhận về vẻ đẹp đa dạng, độc đáo, giàu ý nghĩa và màu sắc văn hóa cũng được trải dài qua những chuyến du xuân. Câu chuyện đầu năm sẽ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều khi được gắn với vẻ đẹp truyền thống của kho tàng văn hóa lịch sử của dân tộc.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là Chùa Tây Phương hay còn được gọi là Sùng Phúc Tự, đây là tên chữ cổ của chùa, mang hàm nghĩa Tự là chùa, Sùng Phúc là nơi Đức Phật luôn hướng những điều thiện điều phúc đức. Tọa lạc ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, chùa Tây Phương được biết đến là một trong những loại hình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không chỉ thế nơi đây còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp huyền bí và tĩnh lặng của núi rừng, sự linh thiêng hội tụ tinh hoa đất trời. Đoàn đã tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử của chùa và được biết, theo các nhà Sử học, ngôi chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 8, sau nhiều lần trùng tu và cải tạo, ngôi chùa mang hình dáng kiến trúc như ngày nay.
Cùng tìm tới chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng sau khi leo 239 bậc thang đá ong mang dấu tích của thời gian, đoàn đã được chiêm ngưỡng toàn cảnh không gian chùa Tây Phương với vẻ đẹp rêu phong, cổ kính giữa bao la đất trời. Một trong điểm nổi bật của chùa Tây Phương so với các ngôi chùa khác chính là nơi đây sở hữu rất nhiều những bức tượng pháp cùng với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Ngôi chùa còn sở hữu 64 pho tượng với các bức phù điêu vô cùng hoành tráng, 16 pho tượng Tổ, bộ Tượng Tam Thế Phật, đặc biệt đến đây mọi người còn có thể chiêm ngưỡng tượng 18 vị La Hán với những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố khác nhau đã từng xuất hiện trong bài thơ: 18 vị La Hán chùa Tây Phương của nhà thơ Huy Cận.
Tạm biệt chùa Tây Phương, đoàn tiếp tục di chuyển đến điểm di tích Chùa Thầy.
Chùa Thầy – tên chữ là Thiên Phúc Tự, nằm gối đầu vào núi Phật Tích còn gọi là núi Thầy, được xây dựng từ thời nhà Lý, và gắn liền với giai thoại cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây là một quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng với nhiều điểm tham quan như quán Tam Xã, đình Thuỵ Khuê, hang Cắc Cớ, vườn trúc Lữ Gia… nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất của khu di tích chùa Thầy nằm ở ba toà của chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII.
Thông qua việc tham quan, tìm hiểu lịch sử di tích, đoàn được biết Chùa Thầy gắn liền với tên tuổi của vị danh tăng Từ Đạo Hạnh – người mở đầu cho tín ngưỡng thờ Thánh Tổ thời Lý – Trần. Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới, tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự. Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân chùa như hàm rồng ,thủy đình như viên ngọc rồng ngậm. Cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng. Với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo và khung cảnh núi non hùng vĩ, chùa Thầy mang lại cho mọi người cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Với mong muốn đem lại chuyến du xuân ý nghĩa với niềm vui đầu năm cho viên chức, người lao động, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã hoàn thành chuyến đi an toàn, ý nghĩa. Chúc tập thể viên chức, người lao động bước sang một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc và thành công. Chúc Học viện có thêm nhiều khởi sắc, phát triển ấn tượng trong năm Giáp Thìn.